Thiếu tướng Bùi Nam Hà từng từ bỏ con đường du học để xung phong vào miền Nam chiến đấu, ông không may bị nhiễm chất độc hóa học. Tuổi cao, chất độc phát tác khiến ông phải rời Hà Nội chuyển vào sống tại thành phố Hồ Chí Minh để điều trị. Hơn 40 năm trong quân ngũ, cuộc sống của một vị tướng dày dạn trận mạc nay thật bình lặng, giản dị và đầm ấm.
Trong căn hộ của ông, một gian phòng rộng khoảng 20m2 được dành trưng bày sách, tài liệu viết về chiến tranh, những bức ảnh chiến trường năm xưa và những kỷ vật đã theo ông trong những trận chiến, nhiều huân, huy chương, huy hiệu, kỷ niệm chương cùng một góc bàn làm việc.
Hơn 90 tuổi nhưng chất giọng của vị tướng vẫn sang sảng. Ông nói rằng đó là gia tài lớn nhất của một thời tuổi trẻ đã sống, chiến đấu và phục vụ hết mình cho quân đội. Tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn giành thời gian làm việc với chiếc máy đánh chữ có tuổi thọ hơn 40 năm. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, Thiếu tướng Bùi Nam Hà cười bảo: “Bao nhiêu năm tôi vẫn dùng chiếc máy đánh chữ này, nó là kỷ vật thiêng liêng dùng việc binh sự. Bây giờ thời bình thì dùng việc khác. Giờ thi thoảng nó hư, mực in không đều, bị khập chữ nhưng tôi tự sửa được”.
Thiếu tướng Bùi Nam Hà.
Ông Bùi Nam Hà đổi tên là Bùi Anh Quân. Ngày đi làm nhiệm vụ, ông thủ thỉ bên tai người vợ đang mang thai đứa con thứ hai: “Tôi đi chiến trường, tên bay đạn lạc, mình ở nhà gắng chăm con. Nếu sinh con trai thì mình đặt là Bùi Anh Quân, là gái thì là Bùi Thị Tuyết Mai”.
Ngày 1/5/1964, Bộ Chính trị - Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Mặt trận Tây Nguyên lấy phiên hiệu là Chiến trường B3.
Từ ngày 19/10 đến 26/11/1965, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên mở chiến dịch Plây Me. Đây là trận đầu đánh thắng Mỹ của quân và dân Tây Nguyên, khẳng định ý chí quyết tâm đánh thắng quân xâm lược.
Đến năm 1970, ông được lệnh trở ra Hà Nội. Lần đầu gặp mặt gia đình sau 5 năm bặt vô âm tín, đứa con trai Bùi Anh Quân đã khóc thét lên vì không nhận ra cha. Chỉ gặp vợ con được 2 ngày, ông được nhận chức vụ Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316, thực hiện nhiệm vụ giải phóng Cánh đồng Chum (Lào).
Bốn lần trọng thương nhưng ông vẫn sống sót trở về. Tuy nhiên, toàn thân Thiếu tướng Bùi Nam Hà bất ngờ nổi mẩn ngứa, phải điều trị khắp nơi. Vào mùa đông bệnh càng nặng hơn và da càng xấu đi khi thời tiết đổi mùa. Các con lo lắng đưa ông ra nước ngoài chữa trị nhưng không khỏi. Khi nghỉ hưu, vợ chồng ông quyết định vào thành phố Hồ Chí Minh để dưỡng bệnh bởi khí hậu nơi đây phù hợp hơn. Sau thời gian dài chữa trị tại Bệnh viện Quân y 175, sức khỏe của ông đã ổn định hơn, được bác sỹ cho về điều trị tại nhà. Kể đến đây, vị tướng hài hước: “Tôi sinh Bắc, chiến Nam, khi tử phải về với Bắc. Giờ đây, trong người có 8 căn bệnh mãn tính, cộng thêm ảnh hưởng chất độc hóa học mà tôi sống đến ngần này tuổi là con cháu mừng rồi. Phải “trốn” Hà Nội đi chữa bệnh nên bây giờ cứ dặn con cháu, khi bố mất phải đưa bố về Hà Nội”.
Ngày còn khỏe, đã nhiều lần ông lên Tây Nguyên và đến thăm các đơn vị thuộc Quân đoàn 3. Mỗi lần đến đơn vị, ông lại tặng cho Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên những tập tài liệu, hình ảnh, hiện vật về các trận chiến đấu có ông cùng đồng đội tham gia. Những tập tài liệu do ông biên soạn và sưu tầm để cũng cấp thêm thông tin cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử và bổ sung thông tin vào hình ảnh, hiện vật của Bảo tàng.
Trong lần gặp mặt này, với cương vị Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh B3 (Quân đoàn 3) tại thành phố Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Bùi Nam Hà đã cung cấp cho chúng tôi hàng trăm bức ảnh tư liệu trong chiến đấu, hàng ngàn trang tài liệu viết về các chiến dịch như chiến dịch Plây Me, chiến dịch Sa Thầy… cả tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài mà ông đã dày công sưu tầm./.